Yoga là một nghệ thuật cổ xưa có nền tảng là một môn khoa học cực kỳ tinh tế nghiên cứu về thể xác, tinh thần và linh hồn. Việc thực hành lâu dài yoga sẽ dần dần cho phép hành giả cảm nhận được sự yên tĩnh và hợp nhất của bản thân với môi trường xung quanh.
Phần lớn mọi người đều biết rằng thực hành yoga sẽ làm cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và cải thiện chức năng hoạt động của các hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết. Đồng thời yoga cũng đem lại sự ổn định và sáng suốt cho ý chí của bạn. Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu trong cuộc hành trình đi tới samadhi, hay còn gọi là sự tự ngộ ra bản ngã của mình. Đây chính là mục đích cuối cùng của yoga.
Các nhà hiền triết xưa kia, khi suy tư về điều kiện của con người từ 2000 năm trước, đã vạch ra 4 chặng đường đi tới sự tự giác ngộ bản ngã của con người là:
Jnana marg – Con đường dẫn đến tri thức, khi con người học cách phân biệt giữa thật – giả
Karma marg – Con đường dẫn đến sự phụng sự bất vụ lợi, không mong chờ được đền đáp
Bhakti marg – Con đường dẫn đến tình thương và sự cống hiến
Yoga marg – Con đường mà trên đó ý chí của chúng ta và mọi hành động của nó đều được kiểm soát.
Tất cả những con đường này đều dẫn đến một mục tiêu chung. Đó là samadhi. Từ yoga có nguồn gốc từ tiếng Phạn là yuj, có nghĩa là hợp nhất lại hoặc kết nối lại, còn một nghĩa khác có liên quan là ‘đặt trọng tâm vào’ hoặc ‘sử dụng’. Trong thuật ngữ triết học thì sự hợp nhất giữa cá nhân và vũ trụ chính là yoga. Sự hợp nhất xuất hiện trong một trạng thái hoàn hảo và tinh khiết của ý thức, mà trong đó không hề có chỗ đứng cho cái tôi.
Nhà hiền triết Patanjali là một bậc thầy yoga toàn tâm toàn ý. Nhưng nhà tư tưởng vĩ đại này lại biết cảm thông với niềm vui và những phiền muộn của người bình thường. Những suy nghĩ của ông và các bậc hiền triết khác về con đường đưa con người đến sự giác ngộ trọn vẹn tiềm năng của bản thân đã được trình bày trong 196 cuốn kinh yoga (Yoga Sutras).
Theo lời ngài Patanjali thì mục tiêu của yoga là làm dịu đi sự náo loạn của các xung cảm và các suy nghĩ mâu thuẫn. Ý chí, trong khi chịu trách nhiệm về các suy tư và những thôi thúc của chúng ta, lại luôn có xu hướng ích kỷ. Đây cũng chính là cội nguồn của những định kiến, thiên vị, gây ra các nỗi đau và phiền muộn cho cuộc sống đời thường của chúng ta. Khoa học yoga tập hợp trí tuệ vào hai khu vực tim và đầu. Trí tuệ của con tim, thường được xem là gốc rễ tinh thần, là một tác nhân tích cực của ahankara, hay còn gọi là chứng kiêu hãnh ảo vẫn luôn gây trở ngại cho sự thông minh của khối óc, do vậy mà gây ra sự mất quân bình giữa thể xác và tinh thần.
Patanjali miêu tả những tai họa này gồm có sự hành xác, không mong muốn làm việc, hoài nghi, thờ ơ, lười nhác, ham muốn thỏa mãn nhục dục, sự lầm lạc trong tri thức, mất thăng bằng, mất ổn định trong cơ thể và cuối cùng là sự hô hấp không đều. Chỉ có yoga mới xóa bỏ được những nỗi đau khổ này và rèn luyện tinh thần, trí tuệ và lí trí của chúng ta
Tác động của yoga không đơn thuần về mặt thể chất. Các tư thế, nếu được thực hiện chính xác sẽ là cầu nối giữa hai lĩnh vực thể chất và tinh thần của bạn. Yoga đẩy lui những cảm giác đau đớn, mệt mỏi, hoang mang, ngờ vực, tự kỷ và chán chường thi thoảng vẫn ngự trị trong chúng ta. Ý chí của một người tập yoga đơn giản là không thể chấp nhận được những loại cảm xúc tiêu cực đó và tìm cách khắc phục những dòng chảy ngỗ ngược này trong hành trình đi đến sự giải thoát hoàn toàn của bản thân. Một khi ta đã trở thành hành giả yoga tận tụy, chúng ta sẽ không còn bị hành hạ bởi những trạng thái tinh thần u uất và nặng nề như vậy.
Yoga thắp sáng cuộc sống của bạn. Nếu bạn chân thành đến với yoga, thực hành nghiêm túc, cần mẫn thì ánh sáng của nó sẽ soi rọi toàn bộ cuộc sống của bạn. Thực hành yoga thường xuyên sẽ thúc đẩy bạn nhìn lại bản thân và các mục tiêu của mình dưới một ánh sáng khác. Nó giúp bạn loại bỏ các trở ngại để có được một sức khỏe tốt và những cảm xúc ổn định. Như vậy, yoga sẽ giúp bạn tự giải phóng và tự giác ngộ bản thân. Đó cũng chính là mục đích tối thượng của mỗi một đời người.